Đi học cần phải là một trải nghiệm vui vẻ đúng như bản chất tự nhiên của việc học. Tất nhiên trong môi trường giáo dục còn nhiều bất cập như hiện nay, ít bố mẹ nào mà không phải lo lắng khi cho con đến trường. Tuy nhiên, sự lo lắng đó chẳng những không giúp cải thiện được tình hình mà còn làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn.

Dù không được nói lên thành lời, sự lo lắng hay bất kỳ ý nghĩ nào đó trong tâm của bạn cũng tạo ra một “làn sóng năng lượng” mà em bé có khả năng cảm nhận tốt hơn rất nhiều so với người lớn. Sự lo lắng của bạn từ đó sẽ khiến em bé cảm thấy bất an. Ý nghĩ đi học là khổ của bạn cũng sẽ khiến em bé có ý nghĩ đi học là khổ. Ý nghĩ xa con là khổ cũng sẽ khiến em bé có ý nghĩ xa mẹ/bố là khổ. Các cụ có câu: khổ hay không là ở mình cũng có nghĩa là như vậy. Cách nhìn nhận, thái độ của bạn đối với sự việc sẽ có ảnh hưởng lớn tới kết quả.

Lúc trước khi có em bé, những ý nghĩ tiêu cực, sự bất an của bạn có thể chỉ ảnh hưởng tới mình bạn, bởi người lớn quanh bạn đã không còn khả năng cảm nhận nhạy cảm như con bạn. Nhưng giờ thì sự bất an của bạn cũng sẽ khiến con bạn bất an, lo lắng, sợ hãi. Khi đã có tâm trạng như vậy thì sao con còn có thể nhìn thấy những thứ thú vị xung quanh mình nữa.

Bạn có thể giúp con khởi đầu một ngày mới an vui bằng cách:
– Cho con đi ngủ sớm từ tối hôm trước và cùng thức dậy sớm với con vào buổi sáng, cùng nhau nghe nhạc hay ca hát nhẹ nhàng trong lúc chuẩn bị và thưởng thức bữa sáng để cơ thể con tràn đầy năng lượng và tinh thần thoải mái vì không phải chịu sự thúc giục rối rít của bạn.

– Hãy suy nghĩ tích cực về việc đi học. Bùn đen hôi vẫn có thể cung cấp dinh dưỡng cho hoa sen trắng. Hãy luôn nhìn vào những chấm sáng và nuôi dưỡng những điều tốt đẹp. Sự an vui trong tâm của bạn sẽ giúp con an vui tốt hơn bất kỳ một ai hay một nỗ lực chăm sóc, bảo vệ nào khác.

– Hãy ngồi xuống ngang tầm con, nhìn vào mắt con và dành cho con một cái ôm thật chặt và ấm áp, chúc con một ngày mới an vui và hẹn gặp nhau vào buổi tối.

– Nếu thấy con khó chịu, hãy nhìn vào mắt con, thừa nhận sự khó chịu và nói lên cảm xúc của con. Con đơn giản là cần sự đồng cảm của bạn chứ không cần giải pháp.

Nguồn:

Bùi Hằng
Làm cha mẹ Montessori